Thuốc kháng
leukotriene trong điều trị hen phế quản
Ths Bs. Nguyễn Hữu Trường
(Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng BV Bạch mai)
TÓM TẮT
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định vai trò trung tâm của
leukotriene trong cơ chế bệnh sinh của hen phế quản và các bệnh dị ứng. Kháng
leukotriene là một nhóm thuốc mới được đưa vào sử dụng để điều trị hen phế quản
trong thời gian gần đây, tác động ức chế của nhóm thuốc này trên các receptor
hoặc quá trình tổng hợp leukotriene đem lại cả hiệu quả giãn phế quản và chống
viêm. Các thuốc kháng leukotriene đã chứng minh được hiệu quả trong điều trị
các trường hợp hen mức độ nhẹ và trung bình. Sự ra đời của các thuốc kháng
leukotriene được coi là một tiến bộ quan trọng trong điều trị dược lý đối với
hen phế quản, mặc dù hiệu quả của nhóm thuốc này vẫn còn nhiều tranh cãi.
Trong những năm gần đây, nhiều điểm mới trong cơ chế
bệnh sinh của hen phế quản đã được làm sáng tỏ, trong đó, vai trò của yếu tố
viêm mạn tính niêm mạc đường hô hấp với sự tham gia của nhiều loại tế bào và
các hoạt chất trung gian được đặc biệt nhấn mạnh.
Leukotriene (trước đây thường được biết với tên gọi
SRS-A) là một nhóm các hoạt chất trung gian hoá học có bản chất là các axit
béo, được Samuelsson và cộng sự phát hiện vào năm 19791. Đây là sản
phẩm của quá trình chuyển hoá axit arachidonic theo con đường 5-Lipoxygenase
trên màng của các bạch cầu ái toan, tế bào mast và lympho bào. Qua nhiều nghiên
cứu, người ta nhận thấy vai trò hết sức quan trọng của nhóm hoạt chất trung
gian này trong cơ chế bệnh sinh của hen phế quản. Theo các nghiên cứu đó,
leukotriene được sản xuất rất nhiều ở các bệnh nhân hen phế quản so với người
bình thường và khi tác động trên các receptor ở phổi, chúng có thể gây co thắt
phế quản và một loạt các phản ứng tiền viêm. Trên cơ sở này, trong thời gian
gần đây, các thuốc với tác dụng ức chế quá trình sản xuất hoặc cạnh tranh
receptor của leukotriene (gọi tắt là thuốc kháng leukotriene) đã được nghiên
cứu thử nghiệm và đưa vào sử dụng trong điều trị hen phế quản.
Bảng 1: Tác
dụng sinh học của leukotriene4
- Gây co thắt phế quản (mạnh hơn histamine100-10000 lần).
- Tăng tính phản ứng của cơ trơn phế quản, ví dụ đối với dị nguyên
- Lôi kéo tế bào viêm, đặc biệt là bạch cầu ái toan.
- Tăng tính thấm thành mạch (gây phù nề và tắc nghẽn đường
CÁC THUỐC KHÁNG LEUKOTRIENE
Có 2 cách tiếp cận nhằm giảm bớt các hoạt tính của các
leukotriene là ức chế sự tổng hợp leukotriene hoặc cạnh tranh vị trí của chúng
trên các receptor tế bào. Các thuốc ức chế tổng hợp leukotriene có thể được
chia là 2 nhóm dựa vào vị trí tác động: nhóm ức chế enzyme 5-Lipoxygenase gắn
vào vị trí hoạt động của enzyme này và nhóm phong bế protein hoạt hoá
5-Lipoxygenase, cả 2 nhóm thuốc này đều ức chế được sự tổng hợp của 4 loại
leukotrieneB4, C4, D4và E4. Ngoại
trừ Zileuton, hầu hết các thuốc khác trong nhóm này vẫn đang nằm trong nghiên
cứu và chưa đưa ra thị trường.
Các thuốc ức
chế cạnh tranh receptor với leukotriene chủ yếu tác động trên receptor Cys-LT1
của leukotriene D4, một receptor quan trọng gây co thắt phế quản. Do
cả leukotriene C4 và E4 cũng gắn vàoreceptor này nên các
thuốc ức chế cạnh tranh với leukotriene D4 cũng ngăn chặn được tác
dụng của cả leukotrieneC4 và E4. Một số thuốc trong nhóm
này đã qua nghiên cứu và được chấp nhận sử dụng trong điều trị hen như zafirlukast,pranlukast
và montelukast.
Bảng 2: Các
thuốc kháng leukotriene
Cạnh tranh
receptor leukotriene D4
|
Phong bế
Protein hoạt hoá 5-Lipoxygenase
|
Ức chế
5-Lipoxygenase
|
Tomelukast
Verlukast
Motelukast
Zafirlukast
Pobilukast
Pranlukast
|
MK-886
MK-0591
BAY X1005
|
Zileuton
(A 64077)
ZD 2138
A-79175
|
VAI TRÒ CỦA THUỐC KHÁNG LEUKOTRIENE TRONG ĐIỀU TRỊ HEN
PHẾ QUẢN:
Một số vấn đề được cân nhắc khi đánh giá vai trò của
các thuốc kháng leukotriene đối với hen phế quản: 1/ Thuốc có kiềm chế được sự
tiến triển của bệnh? 2/ Thuốc có tác dụng chủ yếu là giãn phế quản, chống viêm
hay cả hai? 3/ Hiệu quả của thuốc như thế nào khi so sánh với các thuốc điều
trị hen khác?
Về câu hỏi đầu tiên, một số nghiên cứu mù đôi có đối
chứng cho thấy, zileuton giảm số đợt cấp của hen khoảng 50% trong 13 tuần sử
dụng khi so với giả dược, bên cạnh đó, cả zafirlukast và zileutonđều giảm được
số lần thức giấc về đêm, nhu cầu sử dụng thuốc cắt cơn và các triệu chứng hen
khi so với giả dược1,6. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng,
các thuốc kháng leukotriene sử dụng kéo dài đem lại sự cải thiện rõ rệt và bền
vững về chỉ số FEV1. Những kết quả này cho thấy thuốc kháng
leukotriene có thể góp phần giảm mức độ bệnh và làm chậm sự tiến triển của hen
phế quản3.
Về câu hỏi thứ 2, với tác dụng ức chế hoạt tính của
leukotriene, các thuốc kháng leukotriene có hiệu quả trên cả trương lực đường
thở và quá trình viêm mạn tính ở đây. Hiệu quả giãn phế quản của nhóm thuốc này
mặc dù không nhanh và mạnh như các thuốc cường bêta 2 giao cảm, nhưng sự phối
hợp 2 thuốc trên đem lại hiệu quả giãn phế quản tốt hơn từng thuốc đơn lẻ. Bên
cạnh đó, nhiều trường hợp co thắt phế quản trơ với các thuốc cường bêta 2 vẫn
đáp ứng tốt với thuốc kháng leukotriene. Những kết quả này cho thấy, thuốc
kháng leukotriene có thể tác động đến phần tắc nghẽn độc lập với phần tác động
của các thuốc cường bêta 2 6.
Nhằm so sánh hiệu quả của thuốc kháng leukotriene với
các thuốc điều trị hen khác, kết quả của một số nghiên cứu chỉ ra rằng,
Pranlukast 300 - 450 mg dùng 2 lần mỗi ngày đem lại hiệu quả kiểm
soát hen tương đương với beclomethasone 84 àg 4 lần mỗi ngày, ngoài ra,
zileuton hoặc montelukast khi phối hợp với liều thấp glucocorticoid đường hít
đem lại hiệu quả tương đương với liều cao của glucocorticoid đường hít nhưng ít
tác dụng phụ hơn 2,3.
TÍNH AN TOÀN CỦA THUỐC KHÁNG LEUKOTRIENE
Mặc dù các nghiên cứu về mức độ an toàn của thuốc
kháng leukotriene vẫn đang được tiến hành nhưng hầu hết các tác dụng phụ đựoc
ghi nhận đều ở mức độ nhẹ và thoáng qua như đau đầu, rối loạn tiêu hoá, đau
họng (zafirlukast),nổi ban đỏ, tăng men gan thoáng qua (zileuton). Khi được
dùng ở liều điều trị, các tác dụng phụ này chỉ gặp trong khoảng 2- 4% số người
sử dụng. Ngoài ra, các nghiên cứu sử dụng pranlukast và montelukast kéo dài
trong ít nhất 1 năm cũng không nhận thấy có hiện tượng nhờn thuốc2,3,5.
Gần đây, một số báo cáo ghi nhận sự xuất hiện của Hội
chứng Churg- Strauss (một bệnh lý viêm mạch hệ thống hiếm gặp) sau dùng
zafirlukast phối hợp với glucocorticoid đường uống giảm dần liều, nhưng cơ chế
còn chưa được hiểu rõ. Để ngăn ngừa kịp thời tai biến này, các bệnh nhân đang
sử dụng zafirlukast cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các triệu chứng sớm
của Hội chứng Churg- Strauss như sốt, đau cơ, đau đầu, giảm cân1,7.
CHỈ ĐỊNH
ĐIỀU TRỊ CỦA THUỐC KHÁNG LEUKOTRIENE TRONG HEN PHẾ QUẢN
Gần đây, hai loại thuốc kháng leukotriene là zileuton
và zafirlukast đã được Cục quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng
trong dự phòng và điều trị hen phế quản ở người lớn và trẻ em ³ 12 tuổi. Theo
kết quả của những nghiên cứu gần đây về hiệu quả của các thuốc kháng
leukotriene đối với hen phế quản, nhóm thuốc này nên được ưu tiên sử dụng để
điều trị hen mạn tính trong các tình huống sau: (1) Những bệnh nhân
hen mức độ nhẹ hoặc trung bình không đáp ứng với glucocorticoid đường hít. (2)
Dùng phối hợp để giảm liều glucocorticoid đường hít ở các bệnh nhân hen trung
bình hoặc nặng không dung nạp được hoặc có chống chỉ định với glucocorticoid
đường hít liều cao. (3) Những bệnh nhân gặp khó khăn khi sử dụng bình
xịt glucocorticoid (4) Những bệnh nhân hen nặng không đáp ứng với
glucocorticoid đường hít đơn thuần nhưng không dung nạp được với các thuốc phối
hợp khác như theophyllin phóng thích chậm hoặc cường bêta 2 kéo dài. Có những
nhóm bệnh nhân đáp ứng khá nhanh với điều trị kháng leukotriene (trong vòng 2
tuần đầu), trong khi đó có những bệnh nhân phải mất 6-8 tuần mới thấy được hiệu
quả của thuốc. Theo dõi lưu lượng đỉnh và ghi nhật ký triệu chứng tại nhà là
phương pháp tốt nhất để đánh giá hiệu quả của thuốc.
Ngoài những tình huống ưu tiên lựa chọn ở trên, một số
nhóm đặc biệt của hen phế quản cũng thu được nhiều lợi ích từ điều trị kháng
leukotriene. Hen nhạy cảm với aspirin là một ví dụ điển hình, rất nhiều bệnh
nhân hen không dung nạp aspirin khi được điều trị với các thuốc kháng
leukotriene đã có thể sử dụng một cách an toàn aspirin các thuốc chống viêm không
steroid trong điều trị các bệnh lý như viêm khớp4. Tương tự, điều
trị kháng leukotriene có thể dự phòng được các cơn hen do gắng sức, kể cả những
trường hợp không dự phòng được bằng cromonyl hoặc thuốc cường bêta 2, hiệu quả
bảo vệ này có thể kéo dài 20 – 24 giờ sau dùng thuốc5. Một số nghiên
cứu gần đây cho thấy, các trường hợp hen liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt cũng
thường đáp ứng tốt với điều trị này4.
1. Holgate S.
T., Bradding P., Sampson A. P. (1996). Leukotriene antagonists and
synthesis inhibitors: New directions in asthma therapy, J Allergy Clin Immunol, 98, 1, pp. 1-13.
2. DempseyO.
J., Kennedy G., Lipworth B. J. (2002). Comparative efficacy and
antiinflammatory profile of once-daily therapy with leukotriene antagonist or
low-dose inhaled corticosteroid in patients with mild persistent asthma, J Allergy
Clin Immunol, 109, 1, pp. 68-74.
3. Diahn-Warng
P., Han-Yu H., Yu-Chin L., Reury-Perng P. (2004).Leukotriene
Modifier vs Inhaled Corticosteroid in Mild-to-Moderate Asthma, Chest,
125, 5, pp. 1693–1699.
4. Dempsey
O. J. (2000). Leukotriene receptor antagonist therapy, Postgrad Med
J, 76, pp. 767–773.
5.
Peters S. P. (2003). Leukotriene receptor antagonists in
asthma therapy, J Allergy Clin Immunol, 111, pp. S62-70.
6. Marcos
G., Schuster A. (1999). New perspectives for asthma treatment:
Anti-leukotriene drugs, Pediatr Allergy Immunol, 10, pp. 77- 88.
7. Salvi
S. S., Krishna M. T., Sampson A. P., Holgate S. T. (2001).The
Anti-inflammatory Effects of Leukotriene-Modifying Drugs and Their Use in
Asthma, Chest, 119, 5, pp. 1533–1546.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét